/https://admin.vuahanghieu.com/upload/news/2025/05/high-jewelry-la-gi-top-10-thuong-hieu-high-jewelry-huyen-thoai-28052025111535.png)
High Jewelry là gì? Top 10 thương hiệu High Jewelry huyền thoại
Trong thế giới lấp lánh của High Jewelry, có những cái tên không chỉ đại diện cho sự xa xỉ mà còn là biểu tượng sống của di sản, kỹ nghệ và nghệ thuật vượt thời gian. Từ kim cương huyền thoại đến ngọc trai tinh tế, từ cảm hứng thiên nhiên đến tuyên ngôn thời đại.
Cùng khám phá 10 thương hiệu High Jewelry dưới đây chính là những huyền thoại vĩnh cửu, định hình nên đỉnh cao của trang sức thế giới.
High Jewelry là gì?
High Jewelry – hay Haute Joaillerie trong tiếng Pháp – là đỉnh cao trong thế giới chế tác trang sức, nơi thể hiện sự xa xỉ, độ tinh xảo tột bậc và giá trị độc bản không gì sánh được.
Thuật ngữ này bắt nguồn từ “haut” (cao cấp) và “joaillerie” (trang sức), chỉ những tuyệt tác được tạo nên từ những chất liệu quý hiếm như kim cương, hồng ngọc, ngọc lục bảo, bạch kim... với kỹ thuật thủ công đạt đến trình độ nghệ nhân thượng thừa.
Nếu ngành thời trang có Haute Couture, thì thế giới trang sức gọi tên Haute Joaillerie như vương miện quyền lực tối thượng của sự sang trọng. Những thương hiệu huyền thoại như Cartier, Van Cleef & Arpels, Bvlgari hay Graff đều sở hữu các bộ sưu tập High Jewelry – nơi nghệ thuật chế tác được nâng lên thành biểu tượng sống động của sự hoàn mỹ.
Mỗi chi tiết trong một thiết kế High Jewelry – từ chạm khắc, gắn kết đá quý cho đến cấu trúc hình khối – đều đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối. Một số tuyệt tác còn ẩn chứa cơ chế chuyển động tinh vi bên trong, tạo nên hiệu ứng thị giác sống động như một kiệt tác cơ khí ẩn mình trong vẻ đẹp thuần túy.
High Jewelry không chỉ là trang sức, mà là di sản mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa. Từ các vương triều châu Âu đến những triều đại phương Đông xa xưa, trang sức tinh xảo luôn là biểu tượng của quyền lực, đẳng cấp và sự thịnh vượng. Những tác phẩm này được đặt làm riêng tại các xưởng chế tác nghệ thuật – Atelier – và vẫn luôn giữ nguyên vị thế đỉnh cao trong suốt hàng nghìn năm.
Phân biệt High Jewelry, Fine Jewelry và Fashion Jewelry
Khi nói đến trang sức, không phải tất cả đều giống nhau – từ chất liệu, kỹ thuật chế tác đến giá trị thẩm mỹ và mục đích sử dụng. Ba phân khúc chính gồm High Jewelry, Fine Jewelry và Fashion Jewelry mang đến những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
- High Jewelry là đỉnh cao nghệ thuật kim hoàn, dành riêng cho giới siêu giàu, nhà sưu tầm và những sự kiện mang tầm biểu tượng.
- Fine Jewelry tinh xảo, sang trọng nhưng vẫn trong tầm với của những ai yêu cái đẹp và muốn đầu tư vào món trang sức có giá trị lâu dài.
- Trong khi đó, Fashion Jewelry hướng đến yếu tố thời trang, linh hoạt theo xu hướng, dễ dàng thay đổi và phù hợp với đa số người dùng.
Bảng so sánh ba phân khúc trang sức
Tiêu chí | High Jewelry (Trang sức cao cấp) | Fine Jewelry (Trang sức tinh xảo) | Fashion Jewelry (Trang sức thời trang) |
---|---|---|---|
Chất liệu | Kim loại quý (vàng, bạch kim) và đá quý thiên nhiên hiếm như kim cương, ruby, sapphire, ngọc lục bảo | Kim loại quý (vàng, bạch kim, bạc), đá tự nhiên hoặc bán quý | Hợp kim, thép không gỉ, mạ vàng; đá nhân tạo, pha lê, thủy tinh |
Mức độ chế tác | 100% thủ công bởi nghệ nhân bậc thầy, tốn hàng trăm - hàng nghìn giờ | Kết hợp thủ công và máy móc, chất lượng cao hơn trang sức phổ thông | Sản xuất hàng loạt bằng máy móc, ít hoặc không có yếu tố thủ công |
Độ hiếm và độc quyền | Rất hiếm, thường là phiên bản giới hạn hoặc độc bản, mang tính sưu tầm | Phổ biến hơn High Jewelry, đôi khi có phiên bản giới hạn | Đại trà, dễ tiếp cận, ít tính độc bản |
Giá trị & giá thành | Cực kỳ đắt đỏ, giá trị triệu đô, có thể được trưng bày trong bảo tàng | Giá trị cao, thích hợp để đầu tư và sử dụng lâu dài | Giá cả phải chăng, thay đổi theo mùa và xu hướng thời trang |
Mục đích sử dụng | Sưu tầm, trưng bày, sự kiện cao cấp, thảm đỏ, di sản | Sử dụng hàng ngày hoặc dịp đặc biệt | Phối đồ theo phong cách cá nhân, thường xuyên thay đổi theo xu hướng |
7 dòng High Jewelry nổi bật bạn nên biết
1. High Jewelry Haute Couture – Trang sức thời trang cao cấp
Mỗi mùa Haute Couture, giới mộ điệu không chỉ trông chờ các thiết kế thời trang đỉnh cao mà còn dõi theo những bộ sưu tập Haute Joaillerie được giới thiệu tại Place Vendôme – "kinh đô thu nhỏ" của ngành kim hoàn thế giới. Sở hữu cửa hàng tại đây chính là minh chứng cho đẳng cấp của một thương hiệu khi bước vào lãnh địa Haute Joaillerie.
Chanel, Dior, Valentino, Givenchy là những tên tuổi tiên phong trong việc dung hòa thời trang và trang sức. Chẳng hạn, Dior Joaillerie dưới sự dẫn dắt của Victoire de Castellane, mang đến những thiết kế tràn ngập màu sắc nghệ thuật như Milly Carnivora hay Gem Dior, lấy cảm hứng từ phom dáng New Look kinh điển.
Trong khi đó, Chanel khiến giới sành trang sức say đắm với bộ sưu tập Tweed de Chanel, nơi đá quý và kim loại được “dệt” nên từ bàn tay kỳ diệu của các nghệ nhân, mô phỏng chất liệu tweed biểu tượng – một thành tựu kỹ thuật đầy kinh ngạc.
2. High Jewelry One-of-a-Kind – Trang sức độc bản
Mỗi thiết kế là một bản thể duy nhất, không bao giờ được tái sản xuất. Những món trang sức này sử dụng các loại đá quý hiếm có – về màu sắc, độ trong, hoặc kích thước – và được chế tác hoàn toàn bằng tay trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Tác phẩm tiêu biểu là vòng cổ Tutti Frutti của Cartier, lấy cảm hứng từ văn hóa Ấn Độ, kết hợp tinh tế đá sapphire, ruby và ngọc lục bảo được chạm khắc tỉ mỉ thành hình lá, nụ và quả mọng – một biểu tượng của sự đa dạng, sống động và độc nhất vô nhị.
3. High Jewelry Royal & Historical – Trang sức hoàng gia & di sản
Đây là dòng trang sức từng thuộc sở hữu của giới hoàng tộc hoặc gắn liền với những cột mốc lịch sử quan trọng. Chúng không chỉ là phụ kiện quyền lực mà còn mang giá trị văn hóa và di sản vượt thời gian.
Những minh chứng tiêu biểu gồm: Vương miện của Hoàng hậu Joséphine do Chaumet chế tác vào thế kỷ 19, và bộ trang sức của Maharaja xứ Patiala với viên kim cương De Beers 234,65 carat – một huyền thoại do Cartier chế tác riêng cho hoàng gia Ấn Độ.
4. High Jewelry Transformable – Trang sức biến hóa đa năng
Một món trang sức, nhiều cách sử dụng. Đó là đặc trưng của dòng High Jewelry biến hóa, nơi một vòng cổ có thể trở thành vòng tay, một đôi hoa tai có thể biến thành cài áo.
Van Cleef & Arpels là bậc thầy trong dòng trang sức này với những thiết kế có hệ thống tháo lắp thông minh, kế thừa từ kỹ thuật chế tác cổ xưa – như hệ thống “que và đốt ngón tay” từng được người Ai Cập sử dụng từ hàng nghìn năm trước.
5. High Jewelry Nature-Inspired – Trang sức lấy cảm hứng từ thiên nhiên
Tái hiện vẻ đẹp của tự nhiên trong từng chi tiết nhỏ nhất, dòng trang sức này lấy cảm hứng từ hoa lá, côn trùng, động vật hoặc cảnh quan thiên nhiên, đòi hỏi kỹ thuật chế tác công phu để thể hiện chuyển động sống động trên chất liệu cứng.
Các nhà kim hoàn như Boucheron, Chaumet, Van Cleef & Arpels là những nghệ nhân tài ba trong việc "thổi hồn thiên nhiên" vào từng thiết kế – biến cánh bướm, giọt sương hay đoá hoa thành tác phẩm nghệ thuật đích thực.
6. High Jewelry Artistic & Sculptural – Trang sức nghệ thuật & điêu khắc
Vượt khỏi chức năng làm đẹp, dòng trang sức này là biểu tượng của sự sáng tạo và nghệ thuật điêu khắc. Các thiết kế mang cấu trúc ba chiều phức tạp, gợi cảm hứng từ kiến trúc, điêu khắc, thậm chí là nghệ thuật đương đại.
Bvlgari, Wallace Chan, Cindy Chao là những nghệ sĩ kim hoàn nổi bật, biến trang sức thành những tác phẩm nghệ thuật độc lập – nơi kỹ thuật, sáng tạo và cảm xúc cùng hòa quyện trong từng đường nét.
7. High Jewelry Statement – Trang sức tuyên ngôn
Không chỉ là phụ kiện, đây là dòng trang sức mang tính tuyên ngôn mạnh mẽ, thường được diện trong các sự kiện thảm đỏ hoặc lễ hội thời trang lớn. Chúng gây ấn tượng bởi kích thước, độ lấp lánh và thiết kế phá cách, trở thành “trung tâm của ánh nhìn”.
Điển hình là các thiết kế của Harry Winston với vòng cổ kim cương rực rỡ như hào quang, hay bộ sưu tập “Red Carpet” của Chopard, nơi nghệ thuật gặp gỡ thời trang, tôn vinh cá tính và những giá trị văn hóa vượt thời gian.
10 thương hiệu kim hoàn ghi danh trên bảng vàng High Jewelry thế giới
1. Cartier – Đế vương kim hoàn của thế giới Haute Joaillerie
Với hơn 300 kiệt tác thuộc Cartier Collection, thương hiệu biểu tượng nước Pháp đã khẳng định vị thế không thể thay thế trong ngành chế tác trang sức cao cấp từ năm 1983 đến nay.
Phong cách thiết kế của Cartier được định hình qua các trường phái: Hình học – Tương phản, Kiến trúc – Tinh khiết, Thiên nhiên sống động, và Đối thoại văn hóa, luôn gắn liền với sứ mệnh bảo tồn di sản và đổi mới sáng tạo.
2. Van Cleef & Arpels – Người kể chuyện cổ tích bằng trang sức
Dẫn dắt người xem vào thế giới kỳ ảo của thực vật, động vật và những biểu tượng may mắn, Van Cleef & Arpels tái hiện thiên nhiên bằng cảm giác chuyển động mềm mại trên chất liệu rắn – điều ít ai có thể làm được.
Kỹ thuật huyền thoại Mystery Set, được cấp bằng sáng chế năm 1933, đã giúp thương hiệu này tái định nghĩa nghệ thuật lắp ghép đá quý, tạo ra những thiết kế “vô hình” đầy quyến rũ.
3. Boucheron – Biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã
Khác biệt với sự cầu kỳ kiểu cách, Boucheron mang thiên nhiên đến với con người một cách thuần khiết và tự do. Những thiết kế như mô phỏng sự phản chiếu của nước Iceland, đôi cánh chuồn chuồn, hay bông hoa đang thở thể hiện sự sáng tạo không giới hạn dưới bàn tay nghệ nhân.
4. Graff – Bậc thầy kim cương lộng lẫy
Với kỹ thuật cắt và đánh bóng đỉnh cao, Graff nổi tiếng là “người canh giữ những viên kim cương đẹp nhất thế giới”. Mỗi thiết kế là một tuyên ngôn về sự hoàn hảo – từ hình khối đến độ lấp lánh, dành cho những người phụ nữ muốn toả sáng theo cách riêng.
5. Chopard – Nghệ sĩ trên thảm đỏ Cannes
Là biểu tượng của sự xa hoa rực rỡ tại Liên hoan phim Cannes từ năm 1988, BST Red Carpet của Chopard được chế tác thủ công bởi đội ngũ nghệ nhân tinh hoa. Dưới sự chỉ đạo của Caroline Scheufele, mỗi món trang sức là một màn trình diễn nghệ thuật sống động giữa kim loại, đá quý và cảm xúc.
6. Harry Winston – Huyền thoại kim cương Hollywood
Được mệnh danh là “Vua kim cương”, Harry Winston không chỉ sở hữu những viên đá quý hiếm nhất mà còn biết cách “đánh thức” chúng qua thiết kế. Từ các bộ sưu tập lịch sử đến phong cách hiện đại, thương hiệu này luôn mang đến trải nghiệm xa xỉ thuần khiết và quyến rũ nhất.
7. Chaumet – Bá chủ vương miện hoàng gia Pháp
Với hơn 2.000 chiếc vương miện được chế tác từ năm 1780 cho các vương triều và quý tộc, Chaumet là nhà tiên phong trong nghệ thuật kết hợp kim loại quý, đá màu và di sản văn hóa Pháp. Tại Place Vendôme, những nghệ nhân lành nghề của Chaumet vẫn không ngừng viết tiếp câu chuyện di sản kéo dài hơn 240 năm.
8. Cindy Chao – Phù thủy trang sức nghệ thuật đương đại
Là người sáng lập CINDY CHAO The Art Jewel, nghệ nhân Đài Loan này đã đưa kỹ thuật tạo hình sáp cổ điển châu Âu kết hợp với triết lý nghệ thuật phương Đông để tạo nên những kiệt tác có tính điêu khắc – kiến trúc – độc bản.
Danh hiệu “Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương Pháp” là minh chứng cho tầm ảnh hưởng của cô trong làng High Jewelry toàn cầu.
9. Wallace Chan – Pháp sư của đá quý và công nghệ
Không chỉ là nghệ sĩ kim hoàn, Wallace Chan còn là nhà phát minh với các kỹ thuật như Wallace Cut, chế tác Titan, gốm sứ Wallace Chan Porcelain siêu bền… Những sáng tạo của ông luôn phá vỡ mọi giới hạn vật liệu và thẩm mỹ, được trưng bày tại nhiều bảo tàng danh giá trên thế giới.
10. Mikimoto – Đệ nhất ngọc trai của Nhật Bản
Người sáng lập Kokichi Mikimoto là cha đẻ của ngành ngọc trai nuôi cấy, và cũng là người đầu tiên đưa ngọc trai Nhật ra thế giới. Trải qua hơn 130 năm, Mikimoto vẫn giữ vững vị thế thương hiệu kim hoàn ngọc trai hàng đầu, hòa quyện tinh thần thủ công Nhật Bản với nghệ thuật quốc tế để tạo ra những tuyệt phẩm thanh lịch, tinh tế và vượt thời gian.
Kết luận
Mỗi thương hiệu là một chương sử thi rực rỡ trong cuốn sách kim hoàn nhân loại. Dù mang phong cách hoàng gia, nghệ thuật đương đại hay vẻ đẹp thiên nhiên bất tận, tất cả đều có chung một sứ mệnh: nâng tầm cái đẹp và ghi dấu vĩnh cửu bằng những tuyệt tác không thể thay thế.
Xem thêm:
- Đá Tourmaline là gì? Ý nghĩa, công dụng và cách chọn theo mệnh
- Đá Spinel là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và ứng dụng của đá Spinel
- Đá Topaz là gì? Ý nghĩa, tác dụng và ứng dụng trong trang sức
Mua sản phẩm trên Website hoặc đặt mua hàng qua Hotline:
SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VUA HÀNG HIỆU VIỆT NAM
Website: https://vuahanghieu.com
Hotline: 093.934.8888
Email: [email protected]
Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà 24T3 Thanh Xuân Complex, Số 6 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.
Chúng tôi mang lại cho khách hàng các quyền lợi khi mua hàng:
- Giao hàng toàn quốc nhanh chóng với nhiều phương thức thanh toán
- Được kiểm tra hàng trước khi nhận
- Đổi trả và Hoàn tiền 100% nếu phát hiện hàng giả trong 7 ngày
- Bảo hành sản phẩm miễn phí
- Mua hàng trả góp linh hoạt
- Tích điểm thành viên và nhiều ưu đãi khi mua hàng
Vua Hàng Hiệu cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ bạn trong mọi khía cạnh của trải nghiệm mua sắm, để bạn có thể tự tin và thoải mái khi mua sản phẩm trên Vua Hàng Hiệu.